Skip Navigation LinksChiTiet

Xây dựng nông thôn mới

Xem với cỡ chữAA

Kiên Giang: Công bố huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024

(19/06/2025 11:38:00 CH)

Chiều ngày 19/6, tại UBND huyện Châu Thành diễn ra Lễ công bố huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024 theo Quyết định số 1119/QĐ-TTg ngày 11/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đến dự, có ông Nguyễn Chiến Bình - Phó Tổng thanh tra Chính phủ; ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; ông Nguyễn Thanh Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cùng tham dự.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong và ông Lê Thanh Việt (bìa trái) - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Lãnh đạo huyện Châu Thành.

Phía huyện Châu Thành, có ông Lâm Minh Công - Bí thư Huyện ủy; ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện; ông Lê Quang Định - Chủ tịch HĐND huyện; cùng Lãnh đạo; nguyên Lãnh đạo huyện, xã, phường, thị trấn qua các thời kỳ; cùng tham dự.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự tập trung, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành đã phát huy được sức mạnh của toàn xã hội và sự hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ của nhân dân, qua đó đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện, thể hiện qua những kết quả nổi bật. Theo đó, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, với 100% đường xã và trục ấp được nhựa hóa, bê tông hóa với tổng cộng 329 km đường được đầu tư xây dựng, tăng 63,8% so với năm 2015, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối từ trung tâm huyện đến từng hộ dân.

Huyện đã xây dựng các tiểu vùng sản xuất chuyên canh tập trung, qua đó đã hình thành 03 khu vực sản và phát triển 02 sản phẩm chủ lực của huyện là lúa gạo và khóm Tắc Cậu, trong đó: Chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích 12.000 ha. Vùng chuyên trồng khóm, cau, dừa kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng với diện tích 1.740 ha. Vùng tập trung chăn nuôi heo theo hướng công nghệ sinh học; nhiều mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp được nhân rộng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,06 triệu đồng/người/năm tăng 40,26 triệu đồng so với năm 2015, tỷ lệ nghèo đa chiều nông thôn giảm còn 2,26% so với năm 2015 là 9,44%.

Giáo dục, y tế, văn hóa được chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả; giải quyết việc làm tăng 10,74% so với trước; trường lớp được đầu tư đạt chuẩn đảm bảo dạy và học; cơ sở khám chữa bệnh cơ bản thực hiện tốt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 91%, tăng 5,6% so với năm 2015. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo tốt. Công tác xây dựng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, tập trung và hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Phó Chủ UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, cùng sự cần cù, sáng tạo của bà con nhân dân Châu Thành.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Chúng ta đang bước vào thời khắc lịch sử cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; thực hiện cuộc cách mạng đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp. Dù chính quyền cấp huyện không còn, nhưng công việc xây dựng nông thôn mới, trách niệm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân phải tiếp tục thực hiện tốt hơn. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã mới: Châu Thành, Thạnh Lộc, Bình An tiếp tục phát huy tốt hơn nữa tiềm năng và lợi thế của các xã để tạo ra những động lực tăng trưởng mới. Tập trung kêu gọi đầu tư vào các Khu công nghiệp Thanh Lộc, khu Cảng cá Tắc Cậu, cụm Công nghiệp Bình An và các nhà máy chế biến nông thủy sản. Đây là những ngành tạo ra sự bức phá trong phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng kinh tế nông nghiệp thông minh. Thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu, mở rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, chú trọng phát triển chăn nuôi kết hợp mô hình nông hộ và nuôi thủy sản. Xây dựng được những sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh cao của địa phương; gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi; chú trọng phát triển du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng. Với lợi thế là cửa ngõ giáp phường Rạch Giá, được đầu tư xây dựng cống ngăn mặn Cái Lớn - Cái Bé, giao thông thuận lợi và nơi có cù lao Tắc Cậu, được bao bọc bởi những lớp dừa nước xanh mát, bên trong kết hợp với mô hình sinh thái 3 tầng: Khóm - cau - dừa rất đẹp là lợi thế rất lớn để thu hút du khách du lịch trong và ngoài tỉnh ghé thăm tham quan, trải nghiệm, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm của địa phương.

Ngoài ra, thường xuyên xây dựng đô thị nông thôn văn minh, đáng sống. Tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo môi trường nông thôn xanh sạch đẹp, đáng sống; trong đó phải tuyên truyền, vận động để mỗi người dân ý thức cộn đồng cao, có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Phải hết sức chú trọng xây dựng, giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc ở địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Phong trao tặng Bằng khen cho các cá nhân.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong đóng góp kinh phí thực hiện Phong trào thi đua “Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025; UBND huyện Châu Thành cũng khen thưởng cho 16 tập thể và 18 cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành./.

Bích Thùy
EMC Đã kết nối EMC